Link dự phòng
Người thắng, kẻ thua khi Mbeumo gia nhập MU

Việc MU hoàn tất việc chiêu mộ tiền đạo Bryan Mbeumo từ Brentford với giá 71 triệu bảng có thể mang tới niềm vui cho một số người, nhưng cũng mang lại sự lo lắng cho vài người khác.

Mbeumo đã chính thức gia nhập MU và mặc định có suất đá chínhMbeumo đã chính thức gia nhập MU và mặc định có suất đá chính

MU đã chính thức hoàn tất thương vụ chiêu mộ Bryan Mbeumo từ Brentford vào thứ Hai tuần này, với mức phí có thể lên tới 71 triệu bảng. Trong đó, 65 triệu bảng là khoản phí cố định, kèm 6 triệu bảng phụ phí tuỳ theo thành tích cá nhân và đội bóng.

Tiền đạo 25 tuổi người Cameroon ký hợp đồng 5 năm kèm tuỳ chọn gia hạn thêm một năm, và có thể ra mắt không chính thức trong trận gặp West Ham, trận mở màn chuyến du đấu tại Mỹ mùa hè này.

Với 20 bàn thắng tại Premier League mùa trước, Mbeumo mang đến cho HLV Ruben Amorim sự đa dạng trong cách vận hành đội hình, nhờ khả năng chơi tốt cả ở cánh lẫn trung lộ. Dù vẫn chưa rõ vai trò chính thức của anh sẽ là gì, nhưng vị trí tiền đạo phải trong sơ đồ 3-4-2-1 hoặc wing-back phải đều là những phương án hợp lý.

Việc chiêu mộ Mbeumo làm gia tăng tính cạnh tranh trong đội hình. Dưới đây là những người thắng và hai người thua sau thương vụ này, theo đánh giá từ Manchester Evening News:

Người thắng

1. RASMUS HOJLUND

Cho đến hiện tại, Man United vẫn chưa mua thêm tiền đạo cắm nào, điều đó đồng nghĩa Hojlund vẫn sẽ là lựa chọn số một ở vị trí trung phong trong chuyến du đấu hè. Sau khi thi đấu thất vọng ở mùa giải trước, tiền đạo người Đan Mạch đang rất háo hức lấy lại phong độ ở mùa 2025/26.

Giờ đây, khi có thêm Matheus Cunha và Bryan Mbeumo, hai chân chuyền sở hữu khả năng sáng tạo cao trong khu vực 1/3 cuối sân, Hojlund sẽ được cung cấp nhiều cơ hội để nâng cao hiệu suất ghi bàn. Áp lực ghi bàn sẽ không còn dồn hết lên vai anh, và đó là cơ hội để anh bùng nổ.

2. BRUNO FERNANDES

Dù chơi ở đâu trong hệ thống của Amorim, Bruno Fernandez vẫn luôn để lại dấu ấn. Anh là bản hợp đồng thành công nhất của Man United kể từ thời hậu Sir Alex và luôn sẵn sàng gánh vác vai trò thủ lĩnh.

Sự có mặt của Cunha và Mbeumo giúp Bruno không còn phải "gánh team" như trước. Anh được kỳ vọng sẽ lùi về đá sâu hơn trong hàng tiền vệ, như cách đã thử nghiệm ở trận gặp Leeds vừa qua. Dù vậy, với phong độ ghi bàn ấn tượng hồi tháng Ba vừa rồi khi chơi ở vị trí này, không có lý do gì Bruno không thể tiếp tục bùng nổ khi có nhiều vệ tinh sáng tạo hơn xung quanh.

Người thua

1. MASON MOUNT

Dù là cầu thủ được Amorim đánh giá cao, việc Mbeumo có thể chơi như một số 10 lệch phải khiến Mount đối mặt nguy cơ bị giảm thời gian thi đấu. Cạnh tranh ở vị trí này đã khốc liệt, và giờ còn thêm Mbeumo lẫn Amad Diallo là hai ứng viên hàng đầu cho vai trò số 10 lệch phải.

Người thất bại trong cuộc đua này có thể phải bị đẩy xuống đá wing-back phải và đây không phải vị trí sở trường của Mount. Khi không có cúp châu Âu mùa này, khả năng xoay tua cũng sẽ hạn chế hơn, đồng nghĩa Mount có thể phải làm bạn với băng ghế dự bị nhiều hơn.

2. JOSHUA ZIRKZEE

Được mang về từ hè năm ngoái để cạnh tranh với Hojlund, nhưng thực tế cho thấy Zirkzee không phải mẫu tiền đạo cắm thực thụ. Anh có xu hướng lùi sâu nhận bóng và chơi như một “số 10 ảo”.

Việc chơi ở vị trí này từng giúp Zirkzee cải thiện phong độ trong nửa cuối mùa giải trước. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Mbeumo, người cũng có thể chơi vai trò sáng tạo phía sau tiền đạo, khiến Zirkzee có nguy cơ bị đẩy xuống sâu hơn trong thứ tự lựa chọn. Khi hàng công ngày càng đông đúc và Amorim vẫn chưa chốt được một tiền đạo cắm mới, Zirkzee có thể trở thành “người thừa” đúng nghĩa.

Sự có mặt của Bryan Mbeumo mở ra những phương án tấn công mới cho Man United, đồng thời làm rõ hơn triết lý bóng đá của HLV Amorim: pressing cao, sáng tạo theo chiều rộng sân và tốc độ trong chuyển đổi trạng thái. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra những bài toán không nhỏ về nhân sự, đặc biệt với những cầu thủ không còn giữ được vai trò nổi bật trong hệ thống mới.

TAG: