Thống kê cho thấy Newcastle United là đội bóng chiêu mộ khá nhiều tân binh đắt giá, nhưng rất hiếm thương vụ bị cho là thất bại. Lý do đằng sau sự thành công của Chích chòe là gì?
Newcastle United vừa thực hiện thêm một thương vụ đình đám trong mùa hè này, khi chiêu mộ tiền vệ cánh Anthony Elanga từ Nottingham Forest với giá 52 triệu bảng, cộng thêm 3 triệu bảng tiền phụ phí tùy theo thành tích. Quy đổi ra, con số này là 64 triệu euro, biến anh trở thành bản hợp đồng đắt giá thứ hai trong lịch sử Newcastle.
Dù cầu thủ 23 tuổi này đã phát triển thành một tài năng đáng gờm tại Premier League, mức giá mà Newcastle phải bỏ ra để có được cựu sao trẻ Man United đang khiến nhiều người phải bất ngờ.
Không nghi ngờ gì, đó là một khoản tiền lớn cho một cầu thủ mới chỉ gia nhập Forest cách đây hơn hai năm với giá 16 triệu euro. Tuy nhiên, nếu có một CLB tại Anh được xem là cực kỳ giỏi trong việc mua sắm các bản hợp đồng đắt giá mà không vấp phải những “cạm bẫy kinh điển” của Premier League thì đó chính là Newcastle. Và khi nhìn lại các bản hợp đồng đắt giá nhất trong lịch sử CLB này, điều đó càng trở nên rõ ràng với cả người hâm mộ lẫn giới chuyên môn.
Hồ sơ mua sắm ấn tượng của Newcastle
Như có thể thấy qua bảng thống kê các thương vụ lớn, Elanga sẽ chỉ đứng sau Alexander Isak (70 triệu euro từ Real Sociedad) và vượt qua Sandro Tonali (58,9 triệu euro từ AC Milan). Dù Newcastle đã chi tiêu mạnh mẽ trong những năm gần đây, điều đáng nói là phần lớn các tân binh này đều thi đấu cực kỳ ấn tượng và trở thành nhân tố chủ chốt dưới thời HLV Eddie Howe.
Cả Isak lẫn Tonali đều đang là những ngôi sao sáng tại sân St James’ Park và nằm trong nhóm cầu thủ xuất sắc nhất Premier League ở vị trí của mình. Bên cạnh đó, những cái tên như Harvey Barnes và Anthony Gordon cũng đóng vai trò quan trọng trên hàng công, trong khi Joelinton và Bruno Guimaraes là những mắt xích không thể thiếu nơi tuyến giữa. Hàng thủ cũng được xây dựng vững chắc với Tino Livramento (37,2 triệu euro), Sven Botman (37 triệu euro) và Lewis Hall (33 triệu euro). Tất cả đều là những lựa chọn chiến lược của Howe.
Tất nhiên, vẫn có một vài thương vụ chưa tương xứng với mức phí chuyển nhượng. Chris Wood rõ ràng không xứng đáng với con số 30 triệu euro mà Newcastle đã bỏ ra, và vụ chuyển nhượng đình đám Michael Owen từ Real Madrid năm 2005 với giá 25 triệu euro cũng không thực sự thành công, dù anh ghi được 30 bàn và 2 kiến tạo sau 79 trận.
Nhưng nếu chỉ có hai cái tên kể trên được xem là “bom xịt” trong số 15 thương vụ đắt giá nhất lịch sử CLB, thì điều đó cho thấy Newcastle có thành tích mua sắm vượt trội so với phần lớn các đội bóng tại Premier League.
Newcastle chọn chất lượng hơn số lượng
Dù một số thương vụ được nhắc đến đã diễn ra từ tận năm 2005, phần lớn những bản hợp đồng đắt giá nhất của Newcastle (10 trong 15 thương vụ hàng đầu) đều được thực hiện sau khi CLB được Quỹ Đầu tư Công của Saudi Arabia (PIF) tiếp quản vào tháng 10/2021.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng về một cuộc “nổ bom chuyển nhượng” diện rộng, các quy định về Lợi nhuận & Bền vững của Premier League (PSR) đã hạn chế đáng kể sức mạnh tài chính của Newcastle.
CLB buộc phải bán bớt cầu thủ để cân bằng chi tiêu. Một điều bất ngờ là kể từ đầu mùa giải 2022/23, tổng chi tiêu ròng của Newcastle chỉ đứng thứ 9 tại Premier League, sau cả West Ham và Nottingham Forest. Dù HLV Howe thừa nhận rằng những quy định này đã “thay đổi hoàn toàn” chiến lược chuyển nhượng của CLB, nhưng thực tế có thể cho thấy: chính sự dè dặt ấy đã buộc Newcastle phải xây dựng một đội hình chất lượng và gắn kết hơn.
Như thể hiện trong biểu đồ phía trên (minh họa số lượng cầu thủ được các CLB Anh chiêu mộ kể từ khi Newcastle được tiếp quản vào tháng 10/2021) “Chích chòe” mới chỉ thực hiện 21 bản hợp đồng kể từ kỳ chuyển nhượng mùa Đông 2022.
Ngạc nhiên thay, con số này chỉ xếp thứ 13 trong số các đội bóng Anh, thậm chí sau cả những CLB từng giành quyền thăng hạng như Burnley, Nottingham Forest hay Southampton, cũng như các đội tầm trung đang khao khát vươn lên như Aston Villa, Tottenham hay Brighton.
Đáng nói hơn, Newcastle đã mua ít hơn một nửa số cầu thủ mà Chelsea ký trong cùng giai đoạn và chỉ tiêu tốn chưa đến một phần ba số tiền mà đội chủ sân Stamford Bridge đã chi ra. Thế nhưng, ở mùa giải vừa qua, khoảng cách giữa hai CLB trên bảng xếp hạng chỉ là 3 điểm. Một bên theo đuổi chiến lược "tung lưới bắt cá", còn bên kia kiên định với cách làm cẩn trọng, chọn chất lượng thay vì số lượng.
Dấu ấn Eddie Howe
Dĩ nhiên, việc tuyển trạch và xác định cầu thủ nào xứng đáng để chi đậm là một chuyện, nhưng để phát huy tối đa khả năng của họ tại giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới là chuyện hoàn toàn khác. Để làm được điều đó, CLB cần một HLV có khả năng “khai phá tiềm năng” cầu thủ, và ở Premier League hiện tại, ít người làm điều đó tốt hơn Eddie Howe.
Cũng như chính sách chuyển nhượng của Newcastle, Howe dường như đã hưởng lợi từ các giới hạn tài chính mà CLB phải tuân thủ. Ở mùa giải trước, HLV người Anh chỉ sử dụng 24 cầu thủ trong suốt 38 vòng đấu, ít thứ nhì Premier League (chỉ hơn Nottingham Forest với 23 cầu thủ).
Dẫu vậy, ông vẫn đưa đội bóng về đích ở vị trí thứ 5, dựa trên màn trình diễn xuất sắc của các trụ cột. Trong số 11 cầu thủ được sử dụng nhiều nhất, chỉ có Lewis Hall là được chiêu mộ ở mùa đó. Phần lớn đều đã ở CLB từ trước, như Dan Burn hay Fabian Schar, hoặc được mang về không lâu sau khi Howe tiếp quản, như Bruno Guimarães hay Nick Pope.
Chính sự ổn định này đã giúp các trụ cột của Newcastle tiến bộ vượt bậc. Dưới sự chỉ đạo của Howe, nhiều cầu thủ không chỉ cải thiện phong độ mà còn tăng vọt về giá trị chuyển nhượng. Từ những “viên ngọc thô” trưởng thành từ lò đào tạo như Lewis Miley (tăng 25 triệu euro), cho đến các ngôi sao mua về với giá cao như Tonali (+10 triệu), Guimarães (+50 triệu) hay Isak (+90 triệu), tất cả đều trở thành phiên bản tốt hơn kể từ khi khoác áo Newcastle.
Và đó là bí mật thực sự đằng sau thành tích ấn tượng của Newcastle trên thị trường chuyển nhượng.