5 quyết định sai lầm của Sir Jim Ratcliffe trong năm đầu tại MU đang khiến Quỷ đỏ thành Manchester phải trả giá. Và có lẽ, hệ lụy của chúng còn kéo dài hơn những gì giới mộ điệu có thể tưởng tượng được. Bởi, cả 5 quyết định đó chưa mang lại gì tích cực cho Quỷ đỏ.
Ratcliffe có 5 quyết định sai lầm trong năm đầu tiếp quản MU
1. Gia hạn rồi sa thải Erik ten Hag
Quyết định giữ Ten Hag làm HLV trưởng là một sự thay đổi sau quyết định tạm thời sa thải ông trước trận chung kết FA Cup 2023/24. Màn trình diễn ấn tượng của MU và chiến thắng tại Wembley trước Man City đã dẫn đến sự thay đổi đó, giống như việc kéo dài thêm giao kèo với nhà cầm quân người Hà Lan là một kết cục tất yếu.
Tuy nhiên, quyết định này đã khiến Quỷ đỏ thành Manchester phải lùi lại vài tháng để sa thải Ten Hag (ra đi sau trận thua West Ham vào tháng 10) và kéo theo hệ lụy lớn hơn nhiều: có thể khiến mùa giải này trở nên vô nghĩa và MU đang rơi vào một mớ bòng bong đúng nghĩa.
Sai lầm gia hạn rồi sa thải Ten Hag
Ruben Amorim là người có thể xoay chuyển tình thế, nhưng với nguồn kinh phí cho chuyển nhượng đã hạn hẹp sau khi MU đã chi 150 triệu bảng cho phiên chợ hè 2024, thì giới mộ điệu sẽ phải chờ đợi thêm nhiều kỳ mua sắm khác để khắc phục tình hình. Bởi, đội hình hiện tại không còn phù hợp với kế hoạch chiến thuật của nhà cầm quân 39 tuổi. Nếu Amorim hoặc một nhà cầm quân khác nhậm chức cách đây 6 tháng, thì biết đâu bối cảnh hiện tại sẽ khác, có thể theo chiều hướng tích cực.
2. Cắt giảm nhân sự gây tranh cãi
Vào đầu tháng 7, MU ra thông báo sa thải 250 nhân viên sau khi xem xét chi phí cho thấy điều này sẽ giúp tiết kiệm tổng cộng khoảng 40 triệu bảng. Điều đó khiến tinh thần của những người ở lại đã giảm mạnh, dẫn đến hiệu suất làm việc kém hẳn. Sau đó, báo cáo tài chính quý mới nhất của CLB tiết lộ rằng họ đã chi 8,6 triệu bảng cho các gói trợ cấp thôi việc.
Ratcliffe gây tranh cãi với những quyết định nhân sự "ối giời ơi"
Một quyết định tiếp theo được đưa ra là hủy bỏ bữa tiệc Giáng sinh của nhân viên, trong khi hộp cơm trưa dành cho đội ngũ nhân viên tại Old Trafford bị đổi sang tiệc buffet, dẫn đến khiếu nại cho rằng đó là đồ ăn thừa của… đối tác kinh doanh được tận dụng mang về, dù CLB đã lên tiếng phủ nhận mạnh mẽ. Ngoài ra, quyết định chấm dứt vị trí đại sứ lâu năm của Sir Alex Ferguson cũng khiến Ratcliffe bị chỉ trích là keo kiệt.
3. Mớ hỗn độn Ashworth
Dan Ashworth đã dành 4 tháng nghỉ phép để làm vườn, trồng rau nuôi cá sau khi nói với Newcastle rằng ông muốn chuyển đến Old Trafford. MU cũng phải bồi thường một khoản không nhỏ để chấm dứt hợp đồng của Ashworth với Chích chòe. Nhưng không lâu sau, Ashworth phải ra đi vì “không phù hợp làm GĐTT”.
Thực tế, Ashworth không phải là nhân vật chủ chốt đằng sau việc bổ nhiệm Amorim mà là GĐĐH Omar Berrada cùng GĐKT Jason Wilcox và giám đốc tuyển dụng tạm thời Christopher Vivell. Bộ ba nói trên “câu kết” như để đá Ashworth ra khỏi tầm ảnh hưởng tại MU.
Tiêu tốn cho Ashworth rất nhiều để rồi nhận ra ông không phù hợp với chức... GĐTT tại MU
Chính điều này đã chỉ ra một sự rạn nứt không thể hàn gắn được và MU là một CLB bị điều hành theo dạng một doanh nghiệp: vẫn còn quá nhiều đầu bếp trong bếp. Bản thân Ratcliffe một lần nữa cho thấy khả năng dùng người thiếu nhạy bén đến thế nào.
4. Hờ hững với đội nữ
Bất chấp sự tăng trưởng ổn định của giải Women's Super League (VĐQG bóng đá nữ), Ratcliffe đã thẳng thắn thừa nhận rằng đội nữ là "một cơ hội" nhưng không phải là ưu tiên hàng đầu. "Bạn chỉ có thể làm được một số việc nhất định và trọng tâm của chúng tôi là đội bóng nam (MU). Nếu không, bạn sẽ bị dàn trải quá mỏng, không đủ sức lo liệu mọi thứ", Ratcliffe từng chia sẻ thẳng thắn trên United We Stand.
Đội nữ MU đang chơi ổn nhưng bị "bỏ bê"
Do đó, đội nữ thậm chí còn phải nhường khu vực sân tập cho đội nam trong quá trình cải tạo trung tâm huấn luyện. Đội nữ MU đang đứng thứ tư tại WSL, kém đội đầu bảng Chelsea 7 điểm. Việc làm của Ratcliffe khiến nhiều người trong cuộc đặt câu hỏi về hướng đi của đội trong cả trung và dài hạn.
5. Tăng giá vé chóng mặt
Trong khi đó, NHM đang phản đối việc Ratcliffe tăng giá vé tối thiểu lên 66 bảng/người cho mỗi trận đấu. Và giá vé sẽ không có ưu đãi cho trẻ em hoặc người cao tuổi (đã nghỉ hưu) như trước. Điều này khiến nhóm “CĐV 1958”, được biết đến với các cuộc biểu tình chống lại nhà Glazer trước khi INEOS vào cuộc, đã chỉ trích động thái này là "lợi dụng rõ ràng đối với lượng NHM trung thành của chúng tôi".
NHM biểu tình, phản đối tăng giá vé
Ratcliffe biện minh cho việc tăng giá bằng cách chỉ ra rằng, Fulham tính phí cao hơn, và do là một CLB lớn hơn nên MU phải có mức giá tương đương. Nhưng ông lại phớt lờ đến mức chênh lệch kinh tế nghiêm trọng giữa các khu vực của Manchester và tây London.